Tiểu hành tinh bay gần Trái Đất hơn Mặt Trăng

Tiểu hành tinh đường kính 13 – 30 m bay qua Trái Đất ở tốc độ nhanh gấp 17 lần tốc độ đạn bắn.

Mô phỏng tiểu hành tinh lao qua Trái Đất. Ảnh: MSN

Mô phỏng tiểu hành tinh lao qua Trái Đất. Ảnh: MSN

Tiểu hành tinh 2023 LZ bay qua Trái Đất ở khoảng cách 0,00212 đơn vị thiên văn hay AU (AU là khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, tương đương 150 triệu km). Điều này có nghĩa tiểu hành tinh bay qua cách chúng ta 317.040 km. So với nó, Mặt Trăng ở cách Trái Đất khoảng 386.242 km. Cơ sở dữ liệu Small-Body Database Lookup của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA cho thấy nó bay gần Trái Đất nhất vào 2h36 ngày 15/6 theo giờ Hà Nội, theo Newsweek.

Dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA cho thấy tiểu hành tinh di chuyển ở tốc độ 49.085 km/h. Một viên đạn bay ở tốc độ 2.896 km, chậm hơn 17 lần so với 2023 LZ. Theo Jay Tate, giám đốc đài quan sát Spaceguard Center, tiểu hành tinh là những mảnh hành tinh quay quanh Mặt Trời ở vành đai giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tuy nhiên, do tương đối nhỏ, chúng dễ dàng bị ảnh hưởng và phát triển quỹ đạo cắt ngang qua các hành tinh.

Tiểu hành tinh có kích thước đa dạng. Hai tiểu hành tinh lớn nhất là Ceres và Vesta có đường kính lần lượt là 965 và 531 km. Đa số tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời nằm ở vành đai chính, thỉnh thoảng chúng bị đẩy khỏi quỹ đạo ổn định bởi lực hấp dẫn của sao Mộc. Đây là nguyên nhân các tiểu hành tinh bay quá gần Trái Đất.

Khoảng 31.000 tiểu hành tinh được phân loại là “vật thể gần Trái Đất” (NEO) do ở cách Trái Đất chưa tới 48 triệu km. Một bộ phận tiểu hành tinh nằm trong nhóm “vật thể có khả năng gây nguy hiểm” nếu bay gần quỹ đạo Trái Đất hơn 7,4 triệu km và có đường kính lớn hơn 140 m. 2023 LZ không đủ lớn để nằm trong nhóm này nhưng bay gần tới mức có thể xếp vào danh mục NEO.

Liên hệ